Nhuộm tóc thường xuyên có ảnh hưởng tới sức khỏe không?

Nhuộm tóc thường xuyên có ảnh hưởng tới sức khỏe không?

Ngày càng có nhiều người sử dụng thuốc nhuộm tóc để làm đẹp, phù hợp với thời trang. Không ít chị em tuổi trung niên bị bạc tóc sớm, nên thường xuyên phải nhuộm tóc phủ bạc. Liệu nhuộm tóc thường xuyên có ảnh hưởng đến sức khỏe không?


1. Xu hướng nhuộm tóc hiện nay

Theo nhà tạo mẫu tóc Duy Anh (Hà Nội), chỉ tính riêng tại salon này, mỗi ngày nhuộm tóc (bao gồm cả hóa chất làm tóc và hóa chất trong thuốc nhuộm tóc …) cho khoảng trên dưới 20 người. Không chỉ phụ nữ đi làm tóc, nhuộm tóc thời trang mà nam giới cũng đi nhuộm, tạo mẫu tóc…

Đây chỉ là một salon tầm trung, chưa phải là địa chỉ đông khách nhất tại Hà Nội. Như vậy để thấy mỗi ngày nhu cầu làm tóc, nhuộm tóc của mọi người là rất cao.

Tại một cửa hàng cắt tóc, gội đầu nhỏ nằm trong ngõ, chị Lê Hà – chủ tiệm tóc chia sẻ: Hằng ngày không ít khách hàng là nam, nữ tuổi trung niên đến người cao tuổi đến nhuộm tóc, phủ bạc. Đây đều là những khách hàng quen, cứ đều đặn mỗi tháng 1 lần họ lại đi phủ bạc, nên dù là tiệm tóc nhỏ, nhưng lại làm không hết việc.

Tác hại của thuốc nhuộm tóc đối với sức khỏe - Ảnh 1.

Hóa chất trong thuốc nhuộm tóc có thể gây hại cho sức khỏe

Xu hướng nhuộm tóc của giới trẻ thường là muốn tạo sự khác biệt. Với một mái tóc được nhuộm màu sắc nổi bật hoặc gảy light để phù hợp với kiểu tóc, thời trang, giày dép… sẽ giúp bạn trẻ tạo cá tính riêng biệt cùng sự tự tin, thoải mái hơn.

Còn với các trường hợp đi phủ bạc cho tóc, chủ yếu sử dụng màu nhuộm đen để che đi phần tóc bị bạc. Chị Lê Hà cho hay, rất nhiều người bị bạc tóc sớm, thậm chí có người mới ngoài 30 tuổi tóc đã bạc quá nửa. Sau một thời gian nhuộm màu thời trang vừa để che tóc bạc, vừa tạo được kiểu màu tóc trẻ trung ấn tượng, thì tình trạng tóc bạc ngày càng nhiều hơn. Phần chân tóc mới mọc ra kênh với màu tóc thời trang… Cuối cùng họ chuyển sang nhuộm một màu đen thông thường.

2. Thuốc nhuộm tóc có gây hại cho sức khỏe không?

Theo nhà tạo mẫu tóc Duy Anh, thuốc tạo kiểu tóc hay thuốc nhuộm tóc hiện nay được cải tiến rất nhiều và đã bớt độc hại. Các mùi khó chịu của thuốc cũng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, dù sao đây vẫn là những hóa chất chứa các chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe tức thì như làm hại da và những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài nếu thời gian mỗi lần “vào thuốc” quá ngắn.

Trong đó các tác hại của thuốc nhuộm tóc cần lưu ý:

– Làm tóc hư tổn, dễ gãy rụng: Các hóa chất có trong thuốc nhuộm sẽ làm mất độ ẩm của tóc cũng như làm cho tóc bị bong tách các lớp mô vỏ, bào mòn chất dinh dưỡng nuôi tóc, từ đó làm cho tóc bị khô yếu và thường xuyên gãy rụng.

Nếu thời gian giữa các lần nhuộm tóc quá ngắn, sẽ khiến mái tóc không giữ được sự bóng mượt như trước nữa. Đặc biệt là với các bạn trẻ muốn nhuộm các màu sắc nổi bật như xanh, tím đỏ… thì cần phải qua bước tẩy màu tóc nguyên thủy, sau đó nhuộm màu tóc mới lên màu đẹp.

Quá trình này khiến mái tóc bị hư tổn nghiêm trọng, chỉ sau 1 lần tẩy tóc đã khiến mái tóc xơ cứng. Hơn nữa màu thời trang này cũng không bền đẹp, chỉ sau một thời gian ngắn, màu thời trang sẽ phai hết đi và để lộ ra màu tóc đã bị tẩy, rất khô xơ. Nếu muốn đẹp lại phải nhuộm tiếp… Vì thế sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn mà sau mỗi lần nhuộm, mái tóc lại càng hư tổn thêm.

Để cải thiện tình trạng này chỉ có giải pháp là cắt bỏ dần phần tóc đã bị hư tổn, sau đó nuôi lại mái tóc mới.

Tác hại của thuốc nhuộm tóc đối với sức khỏe - Ảnh 3.

Mái tóc bồng bềnh cùng những gảy light giúp bạn trẻ tự tin và quyến rũ hơn.

– Ảnh hưởng mắt và da đầu : Theo nhà tạo mẫu tóc Duy Anh, ảnh hưởng này là thấy rõ nhất, ngay cả với thợ làm tóc cũng bị cay mắt, da tay dễ bị bào mòn, nứt nẻ, mặc dù khi vào thuốc đã đeo găng tay. Trong một số loại thuốc nhuộm tóc có thành phần hóa học có thể gây kích ứng da đầu. Khi thuốc bay hơi có thể gây đỏ mắt (không cần tiếp xúc trực tiếp), hắt hơi, chảy nước mũi. Với những người da nhạy cảm, thuốc nhuộm có thể bong tróc, ngứa, châm chích… thậm chí là lở loét và da đầu.

– Ảnh hưởng đến nội tiết: Trong một số thuốc nhuộm tóc có chứa hóa chất alkylphenol ethoxylate (APE), là một hóa chất thường có trong thuốc trừ sâu. Hóa chất này chủ yếu được sử dụng làm chất tẩy trong ngành xử lý ướt hàng dệt may, nhưng chúng cũng được sử dụng trong ngành sản xuất da như các sản phẩm khử mỡ và ở lượng nhỏ làm chất nhũ hóa hoặc chất làm ướt trong một số thuốc nhuộm và chế phẩm sắc tố. Thuốc nhuộm tóc có chứa chất này nhằm tạo màu sắc đẹp hơn, nhưng chất này có thể hấp thụ vào cơ thể gây rối loạn nội tiết.

Ngoài APE, thì một chất khác có trong thuốc nhuộm tóc là isopropyl alcohol có thể gây ra chứng trầm cảm và nhức đầu.

– Ảnh hưởng tới xương khớp : Người hay nhuộm tóc thường thấy xuất hiện tình trạng đau các khớp như khớp bàn tay, khuỷu, gối, cổ chân. Các biểu hiện này thường kèm theo các biểu hiện ngoài da như da đầu, da tay bị ngứa, nổi mụn nước, mặt và hai tay bị sưng vù, ửng đỏ, ngứa, chảy nước vàng, rụng tóc. Nguyên nhân là do đa phần trong thuốc tạo kiểu tóc, nhuộm tóc hiện nay đều có chứa paraphenylenediamin (PPD). 2/3 loại thuốc nhuộm tóc hiện nay đều chứa chất PPD, trong đó nhiều sản phẩm chứa PPD vượt mức cho phép đã gây ra tình trạng này.

– G ây ung thư: Một số nghiên cứu cho thấy người nhuộm tóc thường xuyên có thể có nguy cơ mắc ung thư hạch. Đây là một dạng ung thư tấn công vào hệ bạch huyết – một phần của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Ngoài ra, chất hóa học para-phenylenediamine (PED) có trong thuốc nhuộm có thể gây bệnh ung thư vú hoặc ung thư bàng quang, ung thư bạch cầu.

– Ảnh hưởng tới thai nhi: Phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai nếu nhuộm tóc sẽ có nguy cơ thai nhi mắc bệnh ung thư lớn hơn 10 lần so với người không nhuộm tóc. Do đó, khi chuẩn bị mang thai hoặc trong thai kỳ tuyệt đối không dùng thuốc nhuộm tóc.

3. Những lưu ý khi nhuộm tóc

Nhuộm tóc là xu hướng thời trang từ nhiều năm nay và dường như xu hướng này chưa dừng lại. Sở hữu một mái tóc đẹp, một màu tóc ấn tượng vừa khiến bạn tự tin, mạnh mẽ mà còn thêm phần quyến rũ. Do đó việc làm đẹp từ mái tóc là nhu cầu rất chính đáng.

Tuy nhiên, để đẹp mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn nên lưu ý những vấn đề sau:

3.1. Tránh hư tổn tóc và các tác hại lâu dài

Nhà tạo mẫu tóc Duy Anh khuyên rằng, không nhuộm tóc quá thường xuyên. Thời gian cách nhau mỗi lần nhuộm nên là 6 tháng/lần. Đối với những người đi phủ bạc, thông thường chỉ sau 1 tháng là chân tóc đã bạc trắng, rất khó coi, nên họ lại tiếp tục nhuộm tóc. Việc phủ bạc liên tục như vậy rất ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là khi thuốc nhuộm lại bám dính da đầu, có nguy cơ thấm sâu vào bên trong.

Do đó, người bị bạc tóc sớm nên lựa chọn biện pháp an toàn khác. Ví dụ như đội một lớp tóc giả, mỏng, cùng kiểu cùng màu với mái tóc nguyên bản để che kín phần tóc bạc. Hiện nay có rất nhiều sự lựa chọn cho tóc mà không bị nhìn ra 2 lớp tóc thật và tóc giả. Biện pháp này vừa giải quyết được vấn đề che tóc bạc, không phải sử dụng nhiều hóa chất phủ bạc và có thể lại rẻ tiền.

Tác hại của thuốc nhuộm tóc đối với sức khỏe - Ảnh 4.

Phủ bạc liên tục sẽ anh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.

Lựa chọn thuốc nhuộm tóc của các nhãn hàng uy tín (hoặc đã dùng quen). Không trộn các sản phẩm nhuộm tóc khác loại với nhau vì sẽ gia tăng nguy cơ tổn thương tóc và da đầu. Chú ý đến những phần lưu ý hoặc thành phần trên bao bì của thuốc nhuộm để biết được trong thuốc nhuộm có thành phần gì.

Sau khi nhuộm tóc, nên xả lại bằng nước lạnh hoặc nước mát. Không dùng nước nóng để tránh hư tổn và rụng tóc nhiều hơn. Hạn chế sấy, là, làm nóng tóc. Mỗi tuần nên ủ dưỡng tóc 1 lần. Lựa chọn dầu gội có thành phần dưỡng ẩm cho da và tóc; chỉ dùng dầu xả cho phần ngọn tóc.

Lưu ý khi đi ra ngoài trời, cần đội mũ, mặc áo chống nắng phủ kín mái tóc để chống nắng cho da đầu và tóc.

3.2. Tránh dị ứng

Cần có biện pháp bảo hộ để tránh hóa chất tạo kiểu tóc và thuốc nhuộm tóc dính vào da cổ, da mặt, mũi, mắt… Thợ làm tóc cần đeo găng tay, khẩu trang trong suốt quá trình làm tóc để hạn chế tiếp xúc tối đa với thuốc làm tóc.

Thuốc nhuộm tóc có thể phản ứng độc hại với các dụng cụ bằng kim loại. Do đó khi pha chế thuốc cần tránh các dụng cụ bằng chất liệu này.

Với người có cơ địa dị ứng, làn da nhạy cảm, người từng bị viêm da dị ứng, chàm, eczema… cần thử thuốc trước khi nhuộm tóc để tránh tình trạng quá mẫn cảm.

Nguyễn Hà

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *