Con trai than đau họng, sốt cao và li bì, chị Dung cảm thấy khác lạ so với những lần ốm trước đây. Không chần chừ, người mẹ này đưa con lên TP.HCM cấp cứu. Khi đến nơi, con đã lơ mơ, hỏi không trả lời.
Ngày 6/12, cậu bé 10 tuổi trong phòng cấp cứu của Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, đã tỉnh táo hơn. Chị Huỳnh Ngọc Dung, mẹ của bệnh nhi, liên tục nói lời cảm ơn các bác sĩ. Cậu bé bị viêm não cách đây ít ngày.
Chị Dung cho biết sau một buổi đi chơi thể thao, con trai lên cơn sốt nhẹ. Dù đáp ứng với thuốc hạ sốt, em nhanh chóng sốt cao trở lại, đau họng, đau đầu. Trong 2 ngày, trẻ nôn ói khoảng 4 lần sau ăn cơm và uống nước trái cây.
Ban đầu, chị Dung cho rằng con bị viêm họng. Tuy nhiên, ngày hôm sau, khi thấy con trai li bì, nôn ói nhiều, không chịu chơi, đánh thức rất khó, chị nhận thấy đây là những dấu hiệu bất thường. Ngay lập tức, chị thuê xe từ Bạc Liêu đưa con lên thẳng TP.HCM. “Khi vào đến Bệnh viện Nhi đồng 1, con gần như hôn mê, mơ màng”, chị Dung tâm sự.
Chị Dung bên con trai 10 tuổi vừa thoát nguy cơ di chứng của viêm não. Ảnh: PV
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết đây là trường hợp điển hình của bệnh lý viêm não.
“Triệu chứng của trẻ trùng lặp với bệnh hô hấp, viêm họng dễ gây nhầm lẫn cho phụ huynh. Tuy nhiên, người mẹ đã kịp thời nhận ra dấu hiệu bất thường để đưa bé đi bệnh viện. Khi nghe mô tả, chúng tôi nghi ngờ trẻ bị viêm màng não hoặc viêm não nên cho chọc dò nước thắt lưng, chụp MRI và thấy rất rõ tổn thương của viêm não”, bác sĩ Quy nói.
Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhi đã đáp ứng tốt với phác đồ, phản ứng nhanh hơn và trả lời được các câu hỏi của bác sĩ.
Tại viện, một phụ nữ 30 tuổi (ngụ tại Đắk-Nông) cũng đã trải qua 14 ngày chăm sóc con bị viêm màng não do virus. Chị cho biết trẻ được tiêm vắc xin đầy đủ theo lịch của trạm y tế.
Tại bệnh viện địa phương, trẻ được chẩn đoán bị viêm phế quản, điều trị 2 ngày. Vừa về nhà, bé sốt cao, mệt, ôm đầu kêu đau dữ dội. Người mẹ vội vàng bắt xe vào TP.HCM.
“9 tiếng sau mới đến Bệnh viện Nhi đồng 1, cổ của bé đã hơi cứng và vẫn đau đầu, bác sĩ nghi ngờ bị viêm màng não nên cho xét nghiệm, truyền thuốc ngay. Hôm sau, kết quả khẳng định con bị viêm màng não nhưng không bị di chứng”, chị thở phào.
Theo bác sĩ, di chứng của bệnh viêm não/màng não rất nặng nề, do đó, phụ huynh, đặc biệt là người mẹ, luôn được dặn dò theo dõi sát tình trạng của con để kịp thời đưa đến bệnh viện.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy thăm khám cho một bệnh nhi viêm màng não. Ảnh: PV
“Mỗi lần tiếp nhận trẻ bị viêm não hay viêm màng não chúng tôi đều rất lo, năm nào cũng có ca di chứng. Nhiều năm trước, một em bé 13 tháng tuổi bị viêm não phế cầu phải phẫu thuật vì có ổ mủ và dịch, kết hợp điều trị nội khoa. Mặc dù chúng tôi giữ được tính mạng cho trẻ nhưng em bị di chứng tâm thần và vận động. Đến nay, dù đã 7 tuổi, bé vẫn chưa thể đi học vì chậm chạp, đi lại khó khăn”, bác sĩ nói.
Theo bác sĩ Tiêu Châu Thy, Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, viêm não và viêm màng não xảy ra quanh năm, tỷ lệ di chứng cao trên 30% nếu nhập viện muộn. Hiện tại, khoa có khoảng 20 trường hợp mắc các bệnh lý này, thời gian nằm viện thường kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra như virus, vi trùng, ký sinh trùng… Để phòng bệnh, ngoài việc tiêm chủng đầy đủ các vắc xin ngừa viêm não/viêm màng não, phụ huynh cần giữ vệ sinh, tăng cường miễn dịch, cho trẻ chơi ở nơi thoáng mát, ăn chín uống sôi…
Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ nhỏ bị ho, sổ mũi và có thêm dấu hiệu li bì, khó đánh thức, nôn ói (không do ho), bú kém, quấy khóc, phồng thóp… phụ huynh cần nghĩ đến nguy cơ viêm màng não/viêm não. Với trẻ lớn, dấu hiệu thường gặp là đau họng, sốt, nôn ói, đau đầu nhiều. Những trường hợp này cần được thăm khám sớm để tránh nguy cơ biến chứng.
Theo Linh Giao (VietNamNet)