Cứu sống bệnh nhân bị thương xuyên thấu ngực – bụng bằng phẫu thuật mạch và truyền 3 lít máu

GĐXH – Nhập viện trong tình trạng vô cùng nguy kịch với 2 vết thương xuyên thấu ngực – bụng, bệnh nhân nam ở TP Hạ Long được cứu sống ngoạn mục nhờ quá trình chẩn đoán nhanh, chính xác và xử trí kịp thời của kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, đêm 16/12, nam bệnh nhân 57 tuổi sống trên địa bàn tỉnh nhập viện trong vô cùng tình trạng nguy kịch với hai vết thương xuyên thấu ngực – bụng gây rách động mạch và tĩnh mạch chủ bụng. Bệnh nhân đã được kíp bác sĩ bệnh viện phẫu thuật cứu sống ngoạn mục nhờ quá trình chẩn đoán nhanh, chính xác và xử trí kịp thời.

Bệnh nhân là L.V.Đ ở phường Yết Kiêu, TP. Hạ Long. 12h đêm ngày 16/12, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh, huyết áp thấp và 2 vết thương vùng thành ngực phải và bụng phải do dao đâm.

Cứu sống bệnh nhân bị thương xuyên thấu ngực - bụng bằng phẫu thuật mạch và truyền 3 lít máu - Ảnh 1.

Kíp mổ cấp cứu cho bệnh nhân bị dao đâm xuyên thấu. Ảnh: BVCC

Bác sĩ trực ngay lập tức thực hiện các biện pháp cấp cứu hồi sức, chụp cắt lớp lồng ngực-bụng và chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ. Trên phim chụp phát hiện có hình ảnh tràn máu – khí màng phổi phải, tràn khí trung thất, nhiều dịch máu trong ổ bụng, đặc biệt là tụ máu lớn xung quanh động mạch và tĩnh mạch chủ bụng.

Nhận định đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn, tiên lượng có thể tử vong ngay lập tức do tổn thương mạch máu lớn gây mất máu ồ ạt. Kíp phẫu thuật ổ bụng và mạch máu, kíp gây mê được triệu tập ngay trong đêm, đồng thời liên hệ Khoa Huyết học chuẩn bị sẵn sàng máu truyền, đảm bảo ca mổ diễn ra an toàn, thuận lợi.

Ca mổ được diễn ra khẩn trương ngày trong đêm. Sau khi gây mê, phẫu thuật viên tiến hành dẫn lưu màng phổi phải, mở bụng kiểm tra thấy trong ổ bụng có hơn 2 lít máu loãng và cục, khối máu tụ lớn đang đập và phun trào máu trước vùng động mạch chủ bụng.

Nghi ngờ vết thương xuyên sâu đã làm tổn thương động tĩnh mạch chủ bụng, kíp mổ lập tức bịt ép tạm thời vùng đang chảy máu, truyền máu hồi sức khẩn cấp, cẩn thận bộc lộ động tĩnh mạch chủ phía trên và dưới nơi tổn thương.

Kíp gây mê phối hợp hạ huyết áp chủ động để phẫu thuật viên tiến hành bộc lộ tổn thương động mạch và tĩnh mạch chủ bằng cách cắt mở rộng các nhánh mạch xung quanh tổn thương. Đoạn động mạch chủ bụng vị trí ngang tĩnh mạch thận có vết thương 0,5cm, tĩnh mạch chủ bụng cũng có vết thương đứt gần rời. Phẫu thuật viên tiến hành khâu phục hồi các vết thương động mạch chủ và tĩnh mạch chủ, nối lại tĩnh mạch thận. Tiếp tục kiểm tra vết thương vùng bụng thấy tổn thương xuyên qua gan, qua túi mật rồi xử lý các tổn thương này.

Sau 2 giờ phẫu thuật với hơn 3 lít máu truyền, ca mổ cấp cứu phức tạp đã diễn ra thành công. Bệnh nhân hiện tỉnh táo, mạch huyết áp ổn định, vết mổ khô, dẫn lưu không ra máu, được tiếp tục chăm sóc đặc biệt tại Khoa Hồi sức tích cực.

Cứu sống bệnh nhân bị thương xuyên thấu ngực - bụng bằng phẫu thuật mạch và truyền 3 lít máu - Ảnh 3.

Bệnh nhân được theo dõi và chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực sau phẫu thuật.

Theo chia sẻ của BSCKII Phạm Việt Hùng (Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh): “Bệnh nhân với 2 vết thương thấu ngực và bụng vô cùng nguy kịch đã được đưa đến viện kịp thời. May mắn là vết thương động mạch chủ được máu cục và tổ chức sau phúc mạc bịt tạm thời nên bệnh nhân sống sót khi đến viện.

Với kinh nghiệm từng cấp cứu nhiều ca vết thương xuyên thấu ngực – bụng, chúng tôi đã tiên lượng và chuẩn bị mọi phương án để xử trí trong tình huống mất máu cấp bách. Các tổn thương được kíp mổ kiểm tra đánh giá kỹ lưỡng và xử trí triệt để. Vì vậy mà bệnh nhân đã thoát khỏi cơn nguy kịch và phục hồi tích cực. Sau mổ 1 ngày bệnh nhân đã tỉnh táo và ăn uống được”.

Chấn thương mạch máu kín bị áp lực nặng nề về thời gian, cần phải chẩn đoán nhanh, chính xác và cấp cứu kịp thời bởi nếu chậm trễ có thể gây sốc mất máu, đe dọa tính mạng người bệnh. Đối với những trường hợp bị vật đâm xuyên ngực hoặc bụng thì cần băng cầm máu bên ngoài và cố định vật đâm rồi đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không tự ý rút ra khỏi cơ thể vì có thể gây chảy máu ồ ạt, nguy hiểm tính mạng. Đồng thời việc này cũng giúp cho các bác sĩ có thể tiên lượng tổn thương đúng đắn hơn từ đường đi của vật đâm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *