GĐXH – Đau bụng dưới là dấu hiệu của nhiều bệnh như: U xơ tử cung, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu…
Theo các bác sĩ, đau phần bụng dưới là triệu chứng có thể gặp cả ở nam và nữ. Tuy nhiên, phụ nữ hay gặp nhiều hơn, bởi vùng bụng là nơi tập trung các cơ quan sinh sản (phần phụ) của nữ giới.
Tình trạng đau xảy ra ở vùng dưới rốn, mức độ cơn đau có thể khác nhau tùy vào nguyên gây bệnh. Các cơn đau có thể xuất phát từ vùng hạ vị và lan sang các vị trí khác của cơ thể như hông, lưng. Đau bụng dưới có thể xảy ra đột ngột, mạnh và ngắn hoặc kéo dài.
Thường xuyên đau tức bụng dưới là một trong những dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm. Ảnh minh họa
Khi bị đau vùng bụng dưới, nếu chỉ xảy ra thoáng qua trong 1-2 ngày và không kèm theo các triệu chứng nào khác, chị em không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu cơn đau thường xuyên và đi kèm các triệu chứng như tiểu buốt, ra máu. Điều này cảnh báo một số bệnh nguy hiểm, không được chủ quan.
Theo đó, đau bụng dưới là dấu hiệu của nhiều tình trạng bệnh lý như:
Viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu thường là những viêm nhiễm ngược dòng từ âm đạo, cổ tử cung gây ra viêm nhiễm vòi trứng, buồng trứng, tử cung. Viêm vùng chậu làm xuất hiện những cơn đau bụng dưới rốn bất thường, đau 1 hoặc 2 bên hay đau ở giữa. Triệu chứng kèm theo là khí hư bất thường, sốt nhẹ, tiểu tiện khó.
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Khi bị nhiễm Chlamydia và bệnh lậu – 2 căn bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến, người bệnh sẽ bị đau buốt vùng chậu, đi tiểu đau, chảy máu giữa chu kỳ, tiết dịch âm đạo bất thường. Khi gặp tình trạng này, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh tình trạng nặng thêm và tránh lây bệnh cho chồng/bạn tình của mình.
U xơ tử cung
U xơ tử cung thường xảy ra với phụ nữ trên 30 tuổi. Đây hoàn toàn không phải ung thư. Khi bị u xơ tử cung sẽ có một số triệu chứng điển hình như: đau bụng dưới thường xuyên, đau lưng, kinh nguyệt không đều, đau khi quan hệ tình dục.
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là những túi chứa dịch có thể phát triển trong buồng trứng. Hầu hết các u nang buồng trứng không gây nguy hiểm, ngay cả khi chúng đã vỡ. Cơ thể sẽ đào thải chúng như một phần của chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Tuy nhiên, ước tính có khoảng 8% phụ nữ tiền mãn kinh bị u nang buồng trứng lớn cần điều trị.
Các triệu chứng của u nang buồng trứng bao gồm: Đau bụng dưới; đau nhói ở bên bụng của bạn; chướng bụng.
Các u nang nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc tránh thai, u nang lớn hoặc những u được coi là ung thư phải phẫu thuật. Trong một số trường hợp, u nang bị vỡ có thể gây đau bụng dữ dội kèm theo chảy máu, nôn mửa, sốt…
Lạc nội mạc tử cung
Bệnh xảy ra khi các mô tương tự như niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung. Điều này dẫn đến đau ở vùng lưng dưới, xương chậu và vùng bụng dưới, đặc biệt là trong thời gian chu kỳ kinh nguyệt hay quan hệ tình dục.
Lạc nội mạc tử cung không được coi là một trường hợp cấp cứu, nhưng nó có thể gây vô sinh. Nếu chị em gặp các triệu chứng trên cùng với các vấn đề tiêu hóa hoặc chảy máu giữa các kỳ kinh hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Khi vi trùng xâm nhập vào đường tiết niệu tấn công mọi nơi, từ niệu đạo, bàng quang, niệu quản, gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiểu đau, buốt và lúc nào cũng mót tiểu. Nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây viêm thận bể thận hoặc nhiễm khuẩn huyết. Vậy nên chị em cần chú ý các dấu hiệu như sốt, buồn nôn và đau bụng dưới, đau ở một bên ở vùng lưng dưới để đi khám và trị liệu sớm.
Đặc biệt nếu có các triệu chứng như: Đau bụng dưới rốn dữ dội; cơn đau bụng dưới gần mu trở nên tồi tệ hơn theo thời gian; sốt; đi ngoài ra máu; cơn đau ảnh hưởng đến vấn đề di chuyển; đau kèm theo nôn mửa nhiều lần, nôn ra máu; có những vấn đề bất thường kéo dài khi đại tiện… chị em cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng có thể xảy ra.