Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy chỉ một chút điều chỉnh trong bữa ăn, nguy cơ đột quỵ và các biến cố tim mạch khác giảm mạnh.
Công trình dẫn đầu bởi Viện Nghiên cứu quốc gia về nông nghiệp, thực phẩm và môi trường (INRAE) của Pháp, cho thấy nguy cơ bệnh tim mạch, nhất là bệnh về mạch máu não bao gồm đột quỵ, bị tác động mạnh mẽ bởi thời gian ăn uống.
Việc ăn sáng và ăn tối có thể tác động mạnh mẽ lên nguy cơ bệnh tim mạch, bao gồm đột quỵ – Ảnh minh họa: VIỆN Y TẾ QUỐC GIA MỸ
Tóm tắt nghiên cứu, tờ Medical Xpress cho biết các nhà khoa học đã phân tích trên bộ dữ liệu khổng lồ của hơn 103.000 người ở độ tuổi trung bình là 42, bao gồm cả nam giới và phụ nữ.
Kết quả cho thấy việc bắt đầu bữa ăn đầu tiên quá muộn, bao gồm cả việc bỏ luôn bữa ăn sáng, có thể khiến nguy cơ bệnh tim mạch nói chung tăng 6% cho mỗi giờ chậm trễ.
Đối với bữa ăn cuối cùng trong ngày, nếu nó xảy ra sau 21 giờ tối, nguy cơ mắc riêng nhóm bệnh mạch máu não bao gồm đột quỵ tăng thêm tận 28%, chưa kể các nguy cơ bệnh tim mạch khác. Điều này tác động mạnh nhất đối với phụ nữ.
Ngoài ra, thời gian nhịn ăn vào ban đêm dài hơn – tức khoảng cách giữa bữa ăn cuối cùng trong ngày và bữa ăn đầu tiên của ngày hôm sau – càng lớn thì nguy cơ đột quỵ và các vấn đề mạch máu não khác càng giảm.
Điều này gợi ý rằng phương án tốt nhất để ăn uống vẫn là kéo dài thời gian nhịn ăn ban đêm bằng cách ăn tối sớm, thay vì ăn sáng muộn.
Theo các tác giả, những phát hiện này cần được nhân rộng trong các nghiên cứu đối với các nhóm khác, cũng như các nghiên cứu khoa học bổ sung nhằm giải thích cơ chế mà thời gian ăn uống ảnh hưởng đến nguy cơ bệnh tim mạch.
Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới theo Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Thống kê gần nhất vào năm 2019 cho thấy chỉ trong vòng 1 năm có tới 18,7 triệu ca tử vong sớm cho bệnh tim mạch.
Trong đó, thói quen ăn uống được cho là có vai trò rất lớn cả đối với nguy cơ mắc, diễn tiến bệnh cũng như nguy cơ tử vong do các biến chứng của bệnh.