Tốt nghiệp trường Y với xuất phát điểm là bác sĩ sản phụ khoa, BS.Hồ Trung Hiếu không ngờ rằng có một ngày mình lại rẽ hướng, gắn bó với chuyên ngành vô sinh hiếm muộn cho đến bây giờ.
BS Hồ Trung Hiếu trong cảm nhận người bệnh
Đến Bệnh viện Đức Phúc thời gian này, chúng tôi thường xuyên được nghe bệnh nhân nhắc đến cái tên vô cùng “mát tay” với người hiếm muộn là bác sĩ CKI Hồ Trung Hiếu, hiện đang đảm nhiệm vai trò Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản.
Bác sĩ Hồ Trung Hiếu cùng nụ cười rạng rỡ bên cạnh khách hàng của mình sau 10 ngày chuyển phôi ai cũng có tin vui
Qua lời giới thiệu, chúng tôi tìm gặp chị Ngô Thị Hằng sinh năm 1985, quê ở Hòa Bình để nghe chị kể về hành trình chữa trị hiếm muộn và mối duyên “đúng người, đúng thời điểm” với BS.Hiếu.
Chị kể: “Sau 3 năm kết hôn vẫn không có con, chúng tôi đến bệnh viện khám và phát hiện, chồng bị quai bị biến chứng, teo một bên tinh hoàn. Xác định phải can thiệp hỗ trợ sinh sản, tôi tìm hiểu nhiều bệnh viện, bác sĩ và quyết định chọn BS.Hồ Trung Hiếu để làm IVF. Lúc đó tôi chọn nhờ vào sự linh cảm của người phụ nữ là chính và niềm tin của tôi đã được đặt đúng chỗ. Ngay lần đầu chuyển phôi, tôi đã có kết quả với hai bé song sinh. Đến nay hai bé đã được hơn 3 tuổi”.
Với mong muốn có thêm con, năm 2022 chị Hằng tiếp tục “chọn mặt gửi vàng” đến BS.Hiếu. Cũng như trước kia, chỉ sau lần đầu chuyển phôi chị đã thành công có tin vui. Vậy là từ người thuộc trường hợp hiếm muộn, giờ đây chị Hằng lại trở thành người có nhiều con hơn cả các gia đình bình thường.
Tuy đều thành công từ lần chuyển phôi đầu tiên nhưng để giữ được thai và sinh con khỏe mạnh cũng là một quá trình vô cùng gian nan của chị Hằng. Thậm chí, bác sĩ còn chia sẻ rằng đó thực sự là kỳ tích, là sức mạnh nội sinh mà chỉ những người mẹ mới vượt qua có được.
Theo lời kể của chị Hằng, khi mang thai được 12 tuần tuổi thì chị được bác sĩ thông báo, thai bị dây rốn bám màng, có nguy cơ khó giữ được thai vì dây rốn là nơi nuôi dưỡng thai nhi nhưng chỉ bám màng nên lượng thức ăn chỉ đến thai được 30%. Đến khi 18 tuần thì trở thành rau tiền đạo trung tâm, dễ dẫn đến sinh non. Chị phải đeo đai giữ thai suốt quá trình mang thai, không dám làm việc gì. 2 tuần lại đến viện kiểm tra một lần. May mắn là mọi chuyện đều đã qua, các bé đều chào đời khỏe mạnh.
Bác sĩ Hồ Trung Hiếu đang thực hiện quy trình chuyển phôi cho bệnh nhân bên trong phòng Lab
Chị chia sẻ, sau hai lần mang thai thành công, người tôi phải cảm ơn nhiều nhất chính là BS.Hiếu. Sau khi can thiệp IVF, tôi được bác sĩ tư vấn, chăm sóc từ thai kỳ cho đến khi mổ đẻ cũng là một tay BS.Hiếu.
Khi bệnh nhân trở thành “chuyên gia” cho người vô sinh hiếm muộn
Từ câu chuyện của mình, chị Hằng cho rằng: Với kỹ thuật IVF thì ở bệnh viện nào cũng đều có quy trình như nhau, sự khác biệt nằm ở bác sĩ. Việc lựa chọn bác sĩ nào nhiều khi có ý nghĩa quyết định đến việc có thành công hay không. Tâm lý của người bệnh luôn lo lắng, sợ hãi và tuyệt vọng vì theo đuổi 5 năm đến 20 năm, vô cùng mệt mỏi. Nhưng gặp bác sĩ Hiếu thì mọi lo lắng đó đều được thổi bay. Hiểu áp lực của bệnh nhân nên anh luôn tháo gỡ điều đó đầu tiên bằng thái độ nhẹ nhàng, ân cần, kiên nhẫn giải thích từng thắc mắc. Đây là yếu tố rất quan trọng cho người bệnh, góp phần tạo nên thành công cho một ca IVF.
Bằng kết quả người thực việc thực, chị Hằng giờ đây trở thành “cánh tay nối dài” cho người vô sinh hiếm muộn. Chị lập hội nhóm với hàng chục nghìn thành viên để chia sẻ kiến thức, tư vấn cho người đồng cảnh. Nhiều trường hợp nhờ kinh nghiệm của chị mà rút ngắn được thời gian chữa trị, cũng không bị bỏ lỡ “thời gian vàng” quý giá cho các bài thuốc của “thầy lang”.
Một trường hợp khác cũng mang ơn bác sĩ Hiếu là vợ chồng chị Nguyễn Thị Diệp ở Thái Bình. Anh chị kết hôn từ 2014, gần chục năm trôi qua mà chưa được hưởng niềm hạnh phúc làm cha làm mẹ thực sự là nỗi đau buồn khó tả.
Kết hôn ở độ tuổi còn trẻ, cứ ngỡ sẽ có con ngay nhưng không ngờ vợ chồng chị Diệp phải trải qua cả quãng thời gian dài đằng đẵng “tìm con”, có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng. Chạy ngược xuôi, đông tây y thử đủ cả nhưng kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh.
Hiểu được khó có con tự nhiên, chị Diệp cùng chồng đã lặn lội từ quê lên thăm khám và làm IVF tại một bệnh viện ở Hà Nội. Mang niềm hy vọng lớn lao sẽ đón con yêu về trong lần làm IVF này khi chị được chuyển 3 phôi. Nhưng một lần nữa hai vợ chồng rơi vào khủng hoảng, tuyệt vọng khi 2 phôi không đậu, 1 phôi đậu nhưng lại không có tim thai.
Trải qua cảm xúc từ tràn đầy hy vọng tới thất vọng cùng cực, có thời gian vợ chồng anh chị muốn buông bỏ để chấp nhận số phận. Và rồi, như một tia sáng le lói thắp sáng niềm hy vọng của hai vợ chồng khi được biết đến bệnh viện Đức Phúc, nơi có tỉ lệ làm IVF thành công cao lên tới 90%. Vợ chồng chị Diệp dặn lòng bảo nhau “còn nước, còn tát”, đánh cược vào nốt lần này.
Sau nhiều lần thất bại, chị Diệp đã thành công đón tin vui nhờ bàn tay vàng của bác sĩ Hồ Trung Hiếu
Với phác đồ cá thể hóa 1:1:1, anh chị được BS.Hồ Trung Hiếu trực tiếp đồng hành trong suốt quá trình “tìm con”. Thật may mắn ngay lần chuyển phôi đầu tiên, chị Diệp đã “đậu” với kết quả beta cao vút. Lúc nhận kết quả từ BS.Hiếu, chị không giấu nổi niềm vui sướng trong ánh mắt.
Bác sĩ Hồ Trung Hiếu: Từ sản khoa đến mối duyên với vô sinh hiếm muộn
Đây là hai trong số nhiều trường hợp mà BS.Hồ Trung Hiếu gặp trong nhiều năm gắn bó với vô sinh hiếm muộn.
Trò chuyện với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, BS.Hiếu tâm sự rằng chuyên ngành vô sinh hiếm muộn thực ra không phải là lựa chọn ban đầu của anh. Nó đến như một mối duyên định mệnh, là “nghề chọn người”. Ra trường với xuất phát điểm là bác sĩ sản phụ khoa, BS.Hiếu không ngờ rằng có một ngày mình lại rẽ hướng, gắn bó với chuyên ngành vô sinh hiếm muộn cho đến bây giờ.
Trước khi về BV Đức Phúc, BS.Hồ Trung Hiếu từng làm việc ở BV Vinmec với chuyên ngành sản phụ khoa. 7 năm làm việc tại Khoa sản, anh chứng kiến không ít tình cảnh vô sinh hiếm muộn nhiều năm vẫn không được làm cha mẹ. Từ sự trăn trở này cộng với sự say nghề, BS.Hiếu đã miệt mài nghiên cứu, nâng cao kiến thức về IVF qua các tài liệu nước ngoài, mong có một ngày được chắp cánh ước mơ làm cha mẹ cho các cặp vợ chồng mong con. Cùng thời điểm này BV Vinmec thành lập Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF, anh muốn được thử sức và được bệnh viện cử đi đào tạo chuyên ngành IVF. Sau 3 tháng chuyên tu, anh trở thành lứa bác sĩ đầu tiên của Khoa Hỗ trợ Sinh sản BV Vinmec.
Mới đây, với mong muốn được học hỏi, mở mang sự hiểu biết về IVF ở môi trường mới, anh quyết định rời Vinmec để làm việc tại BV Đức Phúc. Ngoài vai trò là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản của BV Đức Phúc, với kiến thức sâu rộng ở nhiều chuyên ngành, BS.Hiếu còn được ví như “mô hình khép kín”.
Khi khách hàng thực hiện IVF tại Đức Phúc sẽ được BS.Hồ Trung Hiếu theo sát từ A – Z. Bắt đầu từ việc thăm khám chẩn đoán ban đầu, đến điều trị bệnh lý vô sinh hiếm muộn, thực hiện hiện IVF, thăm khám thai kì và cả quá trình vượt cạn sau này.
Điều này là một ưu điểm rất lớn, khi toàn bộ những thông tin về tình trạng bệnh lý, sức khỏe của bệnh nhân sẽ được bác sĩ nắm rõ và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp từ khi bố mẹ bắt đầu vào liệu trình đến khi sinh con khỏe mạnh như ý muốn. Điều này cũng là yếu tố quan trọng để tăng tỷ lệ thành công cho một ca IVF.
Hạnh phúc của bệnh nhân là động lực cho bác sĩ
Được biết, BS.Hồ Trung Hiếu đã có 15 năm cống hiến cho ngành Y tế cùng kinh nghiệm chuyên môn điều trị sản phụ khoa và hỗ trợ sinh sản. BS đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ về công tác chuyên môn trong tư vấn, thăm khám và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, BS.Hồ Trung Hiếu còn hoàn thành các khóa đào tạo chuyên ngành từ cơ bản đến nâng cao, tham gia cập nhật kiến thức mới nhất trong lĩnh vực sản phụ khoa và hỗ trợ sinh sản từ những chương trình trong và ngoài nước. Nhờ năng lực chuyên môn và những thành tựu đã đạt được, BS.Hồ Trung Hiếu không chỉ nhận được sự tin tưởng, ủng hộ từ bệnh nhân và còn nhận được sự tôn trọng, tín nhiệm từ nhiều đồng nghiệp.
Dù mới gắn bó với lĩnh vực IVF được vài năm nhưng BS.Hiếu cảm nhận rằng mỗi khi một em bé chào đời, không chỉ những ông bố bà mẹ mới hạnh phúc mà chính anh cũng thấy mình như người trong cuộc. Điều đó khiến anh ngày càng tâm huyết với nghề, không ngừng học hỏi để mang đến thành công nhiều hơn nữa cho các ca vô sinh hiếm muộn.
Ngược lại, với những ca chưa thành công, anh không khỏi trăn trở, hụt hẫng và đi tìm căn nguyên, để từ đó rút ra bài học cho riêng mình. “Những trường hợp chưa thành công nhiều khi ngoài bệnh lý còn do điều kiện kinh tế gia đình không tốt, khiến họ không thể theo đuổi lâu dài. Điều tôi thích ở Bệnh viện Đức Phúc là tại đây có chính sách hỗ trợ rất nhân văn, như: “sinh con trước, trả tiền sau”, miễn phí khám sức khỏe tổng quát”…, BS.Hiếu nói.
Sau nhiều năm gắn bó với chuyên ngành sản khoa và thụ tinh nhân tạo, BS.Hiếu cho rằng ngày nay cùng với sự tiến bộ của y học hiện đại, các ca thụ tinh nhân tạo đều có xác suất tỷ lệ thành công khá lớn, lên đến 80-90%. Những năm trước đây thường điều trị hàng loạt nên tìm nguyên nhân khó chính xác nên dẫn đến tỷ lệ thành công không cao.
Các gia đình hiếm muộn hoàn toàn yên tâm khi đến với bệnh viện Đức Phúc và lựa chọn bác sĩ CKI Hồ Trung Hiếu
Hiện nay, khoa học phát triển, điều trị cá thể hóa, tức là giải quyết theo từng nguyên nhân cụ thể. Kể cả vô sinh do di truyền thì vẫn sàng lọc được phôi khỏe mạnh. Ngoài ra BV Đức Phúc còn có thuận lợi là sở hữu những chuyên gia đầu ngành, như Phó giáo sư Trần Đức Phấn – Chủ Tịch Hội Di Truyền Y Học Việt Nam, chuyên gia trong lĩnh vực Y Sinh học – di truyền, giúp chọn lọc được những phôi tốt nhất, loại bỏ những phôi mang gen bất thường, đồng thời tăng tỷ lệ thành công IVF.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, BS.Hồ Trung Hiếu cho biết:
“Cùng với công tác quản lý, chuyên môn ở BV Đức Phúc, sắp tới tôi sẽ dành thời gian để học lên bác sĩ CKII để không ngừng nâng cao trình độ, đáp ứng sự kỳ vọng lớn hơn nữa của người bệnh“.
PV