Theo Quyết định 1469/QÐ-TTg của Chính phủ, đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần xuất khẩu lượng xi măng và clinker tương đương 20-35% tổng công suất.
Sản phẩm xi măng xuất xưởng (Ảnh: Hoàng Nguyên – TTXVN)
Thực tế, chi phí xuất khẩu xi măng sẽ tăng khiến các DN sản xuất lo lắng không thể cạnh tranh về giá.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) Trần Việt Thắng cho rằng, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng. Hơn nữa, tỷ giá ngoại tệ biến động… là những yếu tố khiến xuất khẩu xi măng gặp nhiều khó khăn.
So với các nước trong khu vực hay với Trung Quốc, xi măng Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh về giá trong khi nguồn cung của họ cũng rất dồi dào. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất của các DN xi măng trong nước.
Dù tỷ trọng giữa xuất khẩu và tiêu thụ xi măng trong nước còn thấp nhưng xuất khẩu mặt hàng này lại đang phải gánh thêm sức ép mới.
Trong Nghị định số 100/2016/NÐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 209/2013/NÐ-CP và Nghị định số 122/2016/NÐ-CP, Chính phủ quy định mặt hàng xi măng khi tham gia xuất khẩu không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và chịu thuế suất thuế xuất khẩu là 5%.
Như vậy, chi phí xuất khẩu có thể tăng lên 4,5 USD/1 tấn clinker (theo giá FOB bình quân 30USD/tấn) đồng thời tăng 7,5 USD/1 tấn xi măng (tính theo giá FOB bình quân 50 USD/tấn).
Điều này đang khiến các DN sản xuất lo lắng bởi giá thành xuất khẩu sau khi áp thuế mới theo quy định sẽ tăng lên đáng kể. Giá thành tăng khiến xuất khẩu xi măng Việt Nam gần như không thể cạnh tranh với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản…
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung đánh giá, việc tăng chi phí xuất khẩu có khả năng sẽ đẩy áp lực xuất khẩu trở lại tiêu thụ nội địa.
Thực tế, năm 2016, lượng xi măng xuất khẩu đã giảm 5,9% so với năm 2015.
Đặc biệt, từ giữa năm 2016, giá xuất khẩu sản phẩm xi măng cũng giảm khoảng 10 USD/tấn so với cuối năm 2015.
Như vậy, nguy cơ nhiều DN xi măng phải ngừng sản xuất hay phá sản là điều có thể xảy ra.
Theo TTXVN