Vừa qua, một nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh giới thiệu một món phở mang tên “phở King” có giá gần 4 triệu đồng/bát với nhiều nguyên liệu vô cùng đắt đỏ. Liệu bát phở “sang chảnh” này có thực sự tốt cho sức khỏe không?
Nhiều ý kiến khác nhau về bát phở siêu nguyên liệu cao cấp
Phở là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ẩm thực Việt Nam. Phở có mặt trong mọi con ngõ nhỏ đến phố phường đông đúc, từ những quán phở gánh vỉa hè đến những hàng quán sang trọng. Ngày nay phở đã trở thành niềm tự hào của người Việt trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Bát phở truyền thống của người Việt thường có mức giá bình dân, từ 30.000-50.000 đồng đến khoảng 150.000 đồng ở những hàng phở sang trọng.
Phở truyền thống thường được chế biến bằng nước dùng trong được ninh từ xương bò (hoặc xương lợn), kèm theo nhiều loại gia vị như: quế, hồi, thảo quả, sá sùng, đinh hương, hành khô nướng, gừng nướng…
Bánh phở được làm từ bột gạo, tráng thành tấm mỏng rồi cắt thành sợi. Thịt dùng cho món phở là thịt bò (thịt bắp, nạm, gầu…) hoặc thịt gà luộc, xé thịt cùng với tràng, trứng non… Phở luôn được thưởng thức khi còn nóng hổi, ăn kèm với rau thơm như hành, rau mùi, rau húng…
Phở bò truyền thống.
Mới đây, một nhà hàng ở TP. HCM đã giới thiệu một món phở mang tên “phở King” có giá gần 4 triệu đồng/bát với nhiều nguyên liệu vô cùng đắt đỏ.
Cụ thể, bát phở có giá bán là 3.888.888 đồng/bát, chưa bao gồm phí dịch vụ. Theo bếp trưởng của nhà hàng, phần nước dùng ngoài các loại gia vị quen thuộc, đầu bếp sử dụng các phần từ bò Úc như: xương ống, đuôi bò, nạm sườn và xương gà hầm liên tục trong 48 tiếng để đạt được độ đậm đà, vị ngọt tiết ra từ xương và thịt.
Ngoài ra trong bát phở còn có các nguyên liệu cao cấp như: nấm kim cương tươi (truffle), bò Wagyu, gan ngỗng và vàng lá nhập khẩu từ Đức.
Trong đó, nấm kim cương tươi từ Úc là nguyên liệu đắt giá nhất với giá lên tới 45 triệu đồng/kg; bò Wagyu có giá 3,5 triệu đồng/kg; gan ngỗng có giá 2,5 triệu đồng/kg; vàng lá 3,5 triệu đồng/gói.
Với những nguyên liệu cao cấp, đắt đỏ, bát phở hiện được coi là đắt nhất Việt Nam này đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Có ý kiến bày tỏ khen ngợi cho sự sáng tạo của nhà hàng nhưng cũng có nhiều người bày tỏ quan điểm: Với những nguyên liệu đó, mặc dù là cao cấp nhưng nó không còn là hương vị truyền thống của phở Việt; đồng thời nguyên liệu quá cao cấp, quá bổ béo cũng không tốt cho sức khỏe…
Bát phở 4 triệu có gì, có tốt cho sức khỏe không?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, năng lượng của một bát phở truyền thống tương đương với lượng cơm bữa chính. Cụ thể, trong một bát phở bò , nguyên liệu ước lượng có khoảng 140g bánh phở, 100g thịt bò, gia vị, hành lá, hành tây, mỡ cùng 350ml nước dùng, cung cấp 350-400 Kcal.
Giá trị dinh dưỡng của một bát phở bò chín phổ biến do Viện Dinh dưỡng cung cấp.
Còn trong bát phở cao cấp trị giá gần 4 triệu đồng sẽ bao gồm nước dùng xương bò, bánh phở, thịt bò Wagyu, gan ngỗng, gia vị, vàng lá…
Theo phân tích thành phần dinh dưỡng, một phần thịt bò Wagyu nấu chín tương đương với một phần ăn. Ba ounce thịt bò Wagyu (84g) xay chứa:
- Calo: 243
- Tổng số chất béo : 21,3g
- Chất béo bão hòa: 6,8g
- Cholesterol: 60,4mg
- Natri: 45,9mg
- Đạm: 13,7 g
- Sắt : 6% giá trị hàng ngày
Gan ngỗng (tiếng Pháp có nghĩa là “gan béo”) là một món ăn cao cấp, có lượng chất béo cao, thường được nấu trực tiếp hoặc được chế biến thành món pa-tê gan ngỗng nổi tiếng.
Gan ngỗng chủ yếu chứa chất béo và một số chất dinh dưỡng khác. Chất béo trong gan ngỗng mang đến cho món ăn hương vị béo ngậy và tan chảy trên lưỡi.
Về thành phần dinh dưỡng, trong 56g gan ngỗng có chứa:
- Calo 250; Calo từ chất béo: 216 ( 86,4 %)
- Natri: 410mg
- Đường 1g
Có thể thấy, trong một phở bát cao cấp này, ngoài lượng chất béo trong nước dùng được ninh từ xương, đuôi bò trong 48 tiếng, thì còn có một thêm lượng chất béo cao, đặc biệt là chất béo bão hòa từ gan ngỗng và thịt bò Wagyu.
Thịt bò Wagyu đã được nghiên cứu về lợi ích sức khỏe và ưu điểm của nó so với các loại thịt đỏ khác nhưng đáng chú ý là hàm lượng chất béo bão hòa cao. Trong 56g gan ngỗng chứa tới 24g chất béo, trong đó có 7g chất béo bão hòa.
Bát “phở King” có giá gần 4 triệu đồng.
Chất béo là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống cân bằng vì chất béo cung cấp năng lượng cho cơ thể; giúp vận chuyển các vitamin (A, D, E, K); cung cấp một lớp bảo vệ xung quanh các cơ quan quan trọng và là yếu tố cần thiết trong sản xuất hormone… Nhưng không phải tất cả các chất béo trong thực phẩm đều có lợi cho sức khỏe. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chúng ta nên ăn một lượng vừa phải chất béo và lựa chọn chất béo có lợi cho sức khỏe.
Chất béo được chia thành ba nhóm chính: Chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa và chất béo chuyển hóa. Trong đó, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa được coi là hai loại chất béo không tốt cho sức khỏe.
Hầu hết chất béo bão hòa là chất béo động vật được tìm thấy trong các loại thịt và các sản phẩm từ sữa. Chất béo chuyển hóa là một loại axit béo có cả dạng tự nhiên và nhân tạo.
Chất béo chuyển hóa nhân tạo được tạo ra thông qua một quy trình công nghiệp bổ sung hydro vào dầu thực vật lỏng để tạo thành chúng rắn hơn. Chất béo chuyển hóa cũng được tìm thấy một lượng nhỏ trong các thực phẩm làm từ sữa, thịt động vật.
Nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là chất béo chuyển hóa. Khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu, đặc biệt là cholesterol xấu , làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.