Cắn móng tay có thể gây nghiện và gây ra một số tình trạng như nấm móng, móng có hình dáng bất thường,…
Cắn móng tay thường bắt đầu từ thời thơ ấu và tiếp tục đến tuổi trưởng thành. Mặc dù cắn móng tay là một vấn đề phổ biến và mọi người coi đây là thói quen xấu nhưng điều này có thể do căng thẳng, lo lắng hoặc rối loạn tâm thần.
Việc dừng hành vi này nghe có vẻ đơn giản nhưng nhiều người cho biết họ rất khó từ bỏ thói quen này. Những người thường cắn móng tay không chỉ gây mất thẩm mỹ cho móng mà còn gây tổn thương da và đau nhức xung quanh giường móng.
Để hiểu rõ hơn về chứng nghiện cắn móng tay và cách từ bỏ thói quen này, bạn có thể tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Nguyên nhân gây ra chứng nghiện cắn móng tay
Nhiều người không rõ thời gian mình bắt đầu nghiện cắn móng tay và không hiểu lý do vì sao. Theo tìm hiểu, nghiện cắn móng tay là một thói quen xấu nhưng nguyên nhân có thể do các rối loạn cảm xúc hoặc tâm lý, cụ thể:
– Căng thẳng và lo lắng
Đây dường như là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người bắt đầu có thói quen cắn móng tay. Có thể hành vi cắn móng tay sẽ giúp giải tỏa được những căng thẳng và lo âu mà người đó đang gặp phải.
– Nhàm chán
Một bài báo của Scientific American xuất bản năm 2015 nói rằng căng thẳng không phải là lý do duy nhất gây ra chứng nghiện cắn móng tay. Sự nhàm chán, buồn chán và thất vọng cũng có thể kích thích nhu cầu làm gì đó thay vì không làm gì cả. Loại hành vi này có thể được thực hiện bởi một người theo chủ nghĩa cầu toàn.
Căng thẳng, lo lắng hoặc rối loạn tâm lý có thể là nguyên nhân gây ra chứng nghiện cắn móng tay (Ảnh: ST)
– Tập trung
Nhiều khi bạn cũng không nhận ra mình đang cắn móng tay khi quá tập trung vào vấn đề gì. Điều này cũng chưa được lý giải rõ ràng.
– Rối loạn cảm xúc hoặc tâm lý
Theo cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ cho rằng cắn móng tay là một rối loạn hành vi lặp đi lặp lại tập trung vào cơ thể được liệt kê trong chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Những hành vi kiểu này có thể làm gián đoạn hoạt động hàng ngày và tương tác cá nhân của một người. Việc không thực hiện hành vi cưỡng chế sẽ gây ra sự khó chịu.
Các rối loạn khác mà người cắn móng tay cũng có thể mắc phải bao gồm:
+ Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
+ Rối loạn trầm cảm nặng (MDD)
+ Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
+ Rối loạn thách thức chống đối
+ Rối loạn lo âu chia ly
+ Hội chứng Tourette
Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý, không phải ai mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng cắn móng tay. Tương tự, cắn móng tay không có nghĩa là bạn mắc chứng rối loạn tâm lý này.
– Di truyền
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bạn là người hay cắn móng tay thì rất có thể bạn đã học thói quen này từ cha mẹ hoặc di truyền chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế từ gia đình.
2. Nghiện cắn móng tay có gây hại gì không?
Những người có thói quen cắn móng tay, nhất là những người bị “nghiện” hành vì này thường cắn móng tay, lớp biểu bì và mô xung quanh móng. Điều này có thể gây tổn thương cho vùng da xung quanh móng tay, gây đỏ và đau nhức.
Ngoài ra, duy trì thói quen này lâu ngày có thể ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, gây ra một số vấn đề như:
– Móng tay trở nên mất thẩm mỹ hoặc hình dạng bất thường
– Nhiễm nấm ở vùng móng và vùng da xung quanh
– Bệnh do truyền vi khuẩn và virus từ ngón tay lên mặt và miệng
– Gây hại cho răng như sứt mẻ, lệch lạc và tiêu xương
– Đau khớp thái dương hàm và rối loạn chức năng
– Những thói quen như nuốt móng tay khi cắn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng dạ dày, ruột.
Nghiện cắn móng tay có thể gây nấm móng (Ảnh: ST)
3. Làm thế nào để ngừng cắn móng tay?
Để từ bỏ được thói quen cắn móng tay, đòi hỏi bạn cần có sự kiên trì và cố gắng. Một số lời khuyên sau có thể hữu ích và giúp bạn từ bỏ hành vi này:
– Cắt ngắn móng tay hoặc làm móng
Cắt ngắn móng tay và cắt sạch những vết xước và các cạnh lởm chởm có thể khiến bạn không muốn cắn chúng. Tuy nhiên, một số người thường xuyên cảm thấy căng thẳng và lo lắng hoặc mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể vẫn cắn đến lớp biểu bì của móng dù đã cắt ngắn.
Một lựa chọn khác là bạn có thể đi làm móng tại tiệm. Với tâm lý muốn giữ cho bộ móng đẹp sẽ phần nào giúp bạn không thực hiện hành vi này.
– Hoạt động bằng tay thường xuyên
Một cách dễ dàng và hiệu quả để giữ cho ngón tay của bạn tránh xa miệng là luôn khiến bàn tay bận rộn. Có nhiều hoạt động mà bạn có thể thử để đánh lạc hướng bản thân khỏi việc cắn móng tay, chẳng hạn như: nấu nướng, đan móc, vẽ tránh, điều khắc, cầm một thứ gì đó trên tay và bóp,…
– Làm cho móng tay có mùi vị khó chịu
Bạn có thể thử thoa lên móng tay một số chất đắng hoặc khó chịu như mướp đắng, rau diếp cá, giấm, tỏi,…
– Che móng tay
Mọi người cũng có thể dán băng keo, miếng dán hoặc băng lên móng tay để nhắc nhở mình không được cắn móng tay.
– Quản lý căng thẳng và lo âu
Một phương pháp để ngừng cắn móng tay là tìm hiểu những nguyên nhân khiến bạn lo lắng, căng thẳng hoặc buồn chán. Chăm sóc bản thân như ăn uống điều độ, vận động nhiều hơn và ngủ đủ giấc để giúp tinh thần thoải mái, xoa dịu tâm trí và giảm bớt căng thẳng.
Nếu đã thử rất nhiều cách mà bạn không bỏ được thói quen này, bạn nên đến gặp bác sĩ và xin lời khuyên.
4. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn nghiện cắn móng tay và gặp một số tình trạng sau, bạn nên đến gặp bác sĩ:
– Móng tay mọc ngược
– Nhiễm trùng da hoặc móng tay
– Đổi màu móng tay
– Móng tay cong
– Chảy máu quanh móng tay
– Sưng hoặc đau quanh móng tay
– Móng tay đã ngừng phát triển
– Móng tay mỏng hoặc dày
– Móng tách khỏi vùng da xung quanh
Có thể nói, cắn móng tay là một vấn đề thẩm mỹ thường là vô hại nhưng một số trường hợp có thể dẫn đến nhiễm trùng, các vấn đề về răng miệng và các vấn đề khác cần được điều trị. Cắn móng tay thường bắt đầu từ khi còn nhỏ. Vì vậy, không chỉ người trưởng thành, trẻ em cũng nên được kiểm soát sớm để từ bỏ thói quen này.