GĐXH – Cách thử HP này gây tò mò vì vừa dễ thực hiện mà kết quả lại có ngay. Nhưng mức độ chính xác của chúng đến đâu?
Nhiễm khuẩn HP là một tình trạng rất phổ biến. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, có khoảng một nửa dân số thế giới bị nhiễm vi khuẩn HP.
HP rất dễ lây lan, chủ yếu lây truyền qua nước bọt và các giọt bắn. Do đó, vi khuẩn HP có thể lây truyền từ người này sang người khác qua việc dùng chung bát đũa, hôn trực tiếp, ăn uống chung… Không phải lúc nào nhiễm vi khuẩn HP cũng gây ung thư dạ dày, tuy nhiên vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh ung thư này.
Đáng nói là theo khảo sát của WHO và Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, ở nước ta có trên 80% dân số đang nhiễm loại vi khuẩn này.
“Nhỏ nước miếng vào cốc nước để test vi khuẩn HP”
Hiểu được tâm lý tò mò, muốn biết bản thân có nhiễm HP hay không của đại đa số người dân; một số “chuyên gia mạng” đã thực hiện các clip chia sẻ “mẹo” test vi khuẩn HP tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Một trong những cách được chia sẻ nhiều nhất đó là nhỏ nước miếng vào cốc nước và chờ xem phản ứng.
Cụ thể, cách test HP đang được cộng đồng mạng chia sẻ là: “Sáng ngủ dậy chưa đánh răng, chưa súc miệng, chưa nói chuyện với ai thì hãy lấy một cốc nước lọc sạch và nhỏ nước miếng của mình vào đó. Sau đó quan sát nước miếng của mình có lắng xuống và có kết tủa như râu mực hay không. Nếu có thì dạ dày của bạn đã bị nhiễm khuẩn HP rồi đó”.
Cách thử HP này gây tò mò vì chúng vừa dễ thực hiện mà kết quả lại có ngay. Nhưng mức độ chính xác của chúng đến đâu?
Trả lời về vấn đề này, ThS. BS Nội trú Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt) khẳng định: “Đây là cách thử hoàn toàn không đáng tin một chút nào. Nếu chỉ đơn giản như vậy để phát hiện ra một con vi khuẩn siêu nhỏ thì chắc chắn khoa học không cần thêm sự phát triển nào nữa. Hiện nay chỉ có 4 phương pháp phổ biến để kiểm tra xem có nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày hay không, đó là: nội soi dạ dày, kiểm tra thông qua hơi thở, lấy mấu phân và cuối cùng là lấy mẫu qua xét nghiệm máu”.
ThS. BS Nội trú Nguyễn Xuân Tuấn.
Bác sĩ Tuấn cũng cho biết, hiện nay kỹ thuật test HP đã có thể thực hiện tại hầu hết cơ sở y tế trên cả nước. “Do đó, nếu như có nhu cầu bạn nên tìm đến các bác sĩ có chuyên môn để được thực hiện. Tránh tình trạng nghe theo lời khuyên trên mạng rồi cảm thấy hoang mang, lo sợ không cần thiết“, BS Tuấn cho hay.
3 con đường dễ lây lan của vi khuẩn HP
1. Nội soi
Theo WHO, phương pháp lây truyền vi khuẩn HP đầu tiên và thường xuyên nhất đó là khám bệnh và điều trị bệnh, trong đó chủ yếu là do nội soi tiêu hóa. Khi dụng cụ nội soi không được vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn HP có thể lây nhiễm từ người có bệnh sang người khỏe mạnh. Đồng thời, nhiễm trùng cũng có thể lây từ bệnh nhân sang nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ nội soi, bác sĩ tiêu hóa.
2. Phân
Vi khuẩn HP tồn tại trong phân người bệnh vì thế nếu nguồn nước bị ô nhiễm phân cũng có thể lan truyền vi khuẩn. Bàn tay cũng có thể lây truyền vi khuẩn nếu sau khi đi vệ sinh không rửa tay sạch sẽ. Hoặc vi khuẩn có thể lây truyền qua các con vật trung gian như chuột, gián, ruồi… nếu chúng tiếp xúc với nguồn bệnh sau đó lại bám vào thức ăn.
3. Đường miệng
Vi khuẩn HP có thể lây truyền từ người này sang người khác qua việc dùng chung bát đũa, hôn trực tiếp và đặc biệt là ăn uống chung.
Khi chúng ta dùng đũa của mình để gắp thức ăn cho người khác, vi khuẩn này sẽ đi theo dịch tiêu hóa bám trên đũa và dính vào thức ăn của người đối diện, trong đó có thể là vi khuẩn HP, viêm gan A, viêm gan E, vi khuẩn lỵ, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn quai bị… Thậm chí có những trẻ bị nhiễm HP khi mới 2 tuổi, nguyên nhân do người mẹ thường có thói quen mớm thức ăn bón cho con.