Bệnh viêm phế quản thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những tháng mùa lạnh. Khi trẻ bị viêm phế quản, chức năng hô hấp của con thường suy giảm gây ảnh hưởng lớn tới quá trình thông khí. Điều này khiến cha mẹ vô cùng lo lắng.
1. Bệnh viêm phế quản ở trẻ là bệnh gì?
Khi thời tiết giao mùa, trẻ em do sức đề kháng còn yếu nên dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp. Trong đó, phổ biến là bệnh viêm phế quản. Theo BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, viêm phế quản là hội chứng lâm sàng gây ra do tình trạng viêm cấp của khí quản và các phế quản lớn. Tác nhân gây viêm phế quản thường gặp nhất là virus. Đây là bệnh khá phổ biến ở trẻ em, đối tượng thường mắc phải là trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi.
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi là đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này, đặc biệt là khi thời tiết chuyển lạnh. Bệnh có thể xuất hiện cùng lúc hoặc sau khi trẻ mắc một căn bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, ho gà, sởi…
2. Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ?
Nguyên nhân chính khiến trẻ bị viêm phế quản chính là sự xâm nhập, tấn công của các loại virus, vi khuẩn gây hại như tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, virus cúm,… Trẻ có sức đề kháng yếu hoặc trường hợp cơ thể bị nhiễm lạnh là điều kiện thuận lợi để chúng gây tấn công và gây bệnh viêm phế quản.
Ngoài ra còn do tác động của môi trường bên ngoài. Ví dụ như thời tiết thay đổi thất thường cũng là nguyên nhân khiến trẻ hay mắc viêm phế quản. Như đã nói, sức đề kháng của bé còn khá yếu khó có thể thích ứng được sự biến đổi nhanh chóng của thời tiết dễ mắc bệnh hơn. Ngoài ra, khói bụi, khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường hoặc các khí độc cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản ở trẻ.
Cách chăm sóc con sóc con không đúng ví dụ như cho trẻ tắm quá lâu, không giữ ấm cơ thể khi trời lạnh,… cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị viêm phế quản.
3. Triệu chứng của bệnh viêm phế quản ở trẻ
Bệnh viêm phế quản ở trẻ em rất hay gặp và có một số triệu chứng chính sau:
– Bệnh viêm phế quản có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là viêm phế quản phổi là bệnh rất hay gặp, tuy nhiên những biểu hiện thường không rõ ràng gây khó khăn để nhận biết chúng. Những dấu hiệu sớm mà các mẹ nên để ý khi trẻ bỏ bú hoặc bú ít hơn bình thường, đang bú phải dừng lại để thở, đôi khi có một số tiếng thở bất thường như tiếng khò khè, thở khó khăn hơn, nôn ói, thậm chí là đau ngực…
Khi con bị viêm phế quản, các tác nhân gây viêm sẽ kích thích niêm mạc tăng tiết dịch và đôi khi gây co thắt, một số loại virus còn làm tổn thương biểu mô hô hấp gây bít tắc. Do đó trẻ có các biểu hiện ho nhiều, khó thở và sốt. Những cơn sốt và cơn ho kéo dài cần các mẹ chú ý nếu trẻ xuất hiện cả đến tuần thứ 2 thì rất có khả năng là trẻ đã bị viêm phế quản.
– Đối với trẻ nhỏ và trẻ lớn thì đường thở rộng hơn nên các triệu chứng của viêm phế quản cũng ít nặng nề hơn:
+ Trẻ thường ho dai dẳng kéo dài thường khoảng 2-3 tuần, có thể trẻ có bị đau rát cổ họng, ho khạc đờm. Đờm thường là đờm trắng trong do virus nhưng sau đó khi bội nhiễm vi khuẩn thì có màu xanh, xám, hoặc xanh hơi vàng. Những dấu hiệu đau ngực, mệt mỏi hoặc có thể bị sốt nhẹ cũng có thể gặp tùy từng trẻ.
+ Khi mới bắt đầu phát bệnh, trẻ bắt đầu có các triệu chứng viêm long đường hô hấp trên như hắt hơi sổ mũi(có thể dẫn đến ngạt mũi), ho khan, sốt nhẹ.
+ Khi bệnh đã trở nên nặng hơn sốt nặng hơn, các triệu chứng thở khò khè hoặc thở bằng miệng bắt đầu xuất hiện. Da của trẻ đôi khi tím tái, xanh xao. Thỉnh thoảng có những triệu chứng về rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy mức độ nhẹ.
+ Tới giai đoạn nguy hiểm: Trẻ sốt cao trên 39 độ C, trẻ thường mê man, mệt mỏi nhiều, chân tay yếu, mềm, mệt mỏi, không vận động được, môi và da khô, chảy mồ hôi, bỏ ăn và khó thở. Trẻ có những cơn ho kéo dài như ho gà, tiếng ho nặng tiếng do xuất phát từ phế quản, nếu kèm viêm thanh quản thì trẻ có khàn tiếng, ho thường có đờm. Trẻ thường thở nhanh và mạnh hơn bình thường, lồng ngực hoạt động mạnh, hay phải há miệng để thở và thường xuất hiện những tiếng thở bất thường như tiếng khò khè, khụt khịt.
Để đánh giá được mức độ khó thở ở trẻ, cha mẹ cần đặt trẻ nằm yên hoặc ngủ trong vòng 1 phút và đếm nhịp thở. Nên đếm và quan sát 3 lần để có kết quả chính xác và khách quan nhất.
Sau khi có kết quả, cha mẹ dùng kết quả này để so sánh kết quả với tiêu chuẩn đánh giá ngưỡng thở nhanh theo tuổi mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra, cụ thể:
– Trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi >= 60 lần/phút.
– Trẻ nhỏ từ 2 đến 12 tháng tuổi >= 50 lần/phút.
– Trẻ nhỏ từ 1 đến 5 tuổi >= 40 lần/phút.
Nhịp thở của trẻ càng nhanh thì mức độ khó thở càng cao và nguy hiểm. Lúc này phụ huynh cần cho con đến bệnh viện để các bác sĩ chẩn đoán và điều trị.
4. Điều trị viêm phế quản cho bé cần lưu ý những gì?
Điều trị viêm phế quản cho bé sao cho hiệu quả là thắc mắc của rất nhiều các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, việc điều trị viêm phế quản cho bé còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh.
– Viêm phế quản do virus gây ra, việc sử dụng thuốc chỉ có tác dụng giảm các triệu chứng của bệnh, ngăn ngừa các biến chứng và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ tự phục hồi.
– Nếu nguyên nhân gây ra bệnh là do vi khuẩn thì trẻ sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
– Thông thường bệnh viêm phế quản sẽ diễn biến và tự cải thiện sau từ 7 đến 10 ngày. Do đó, cha mẹ cần lưu ý chăm sóc và theo dõi các triệu chứng ngay từ khi trẻ mới khởi phát bệnh cho đến khi trẻ được điều trị khỏi hoàn toàn.
– Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý bằng cách nhỏ mũi cho trẻ hàng ngày.
– Nên giữ ấm cơ thể cho trẻ đặc biệt là vùng họng và gan bàn chân.
– Chườm ấm toàn thân khi trẻ sốt, theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ, nếu trẻ sốt cao 38.5 độ thì cần uống thuốc hạ sốt, liều lượng và cần có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
Chế độ dinh dưỡng khi điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ:
– Tăng cường cho trẻ uống nhiều nước, việc cho trẻ uống nhiều nước vừa giúp trẻ hạ sốt, vừa làm giảm các triệu chứng tắc nghẽn đường hô hấp. Trẻ lúc này có thể ho dễ dàng và tống đờm ra ngoài, giảm cảm giác khó chịu.
– Bổ sung rau xanh và trái cây tươi, các loại củ quả giàu chất chống oxy hóa như: dâu tây, cà rốt, rau chân vịt… Bởi những loại rau, hoa quả tươi này giúp bổ sung vitamin A, C, E tốt cho trẻ bị viêm phế quản hoặc khó thở.
Trong các bữa ăn của trẻ nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như: đậu phụ, trứng gà, bột mì, ngũ cốc hoặc gạo. Nên cho trẻ uống thêm sữa bò, sữa đậu nành hoặc các chế phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo thấp. Đặt biệt, sữa chua cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Trẻ mắc viêm phế quản thường bị đau họng, mệt mỏi nên rất dễ chán ăn. Do đó, mẹ nên chế biến thức ăn thành dạng lỏng như cháo hoặc súp để trẻ dễ nuốt. Nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ khác nhau, không nên ép trẻ ăn quá nhiều một lúc. Bởi cơ thể mệt mỏi, chán ăn sẽ khiến trẻ không ăn được nhiều và dễ bị nôn ói.
5. Bệnh viêm phế quản ở trẻ có lây không?
Đây là điều mà nhiều cha mẹ luôn lo lắng, thực tế viêm phế quản là bệnh lý có khả năng lây lan mạnh thông qua 2 con đường: trực tiếp và gián tiếp.
+ Lây lan trực tiếp
Nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với người bị viêm phế quản qua con đường giao tiếp gần, người bệnh ho, hắt hơi,… rất dễ phát tán vi rút sang người đối diện.
+ Lây lan gián tiếp
Lây lan gián tiếp là hiện tượng người lây lan thông qua việc sử dụng chung đồ dùng, vật dụng cá nhân như khăn mặt, bát, thìa, đũa, cốc chén,… với người bệnh. Virus có thể tồn tại, sống vài giờ trên các vật dụng đó và làm tăng nguy cơ lây bệnh giữa những đối tượng trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.
6. Cách phòng tránh viêm phế quản ở trẻ em
Để phòng ngừa viêm phế quản ở trẻ, bố mẹ cần chú ý:
Tạo môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ nhằm ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc. Bên cạnh đó, nên thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nơi ở, luôn giữ tay, chân bé và cả người trực tiếp chăm sóc bé luôn được sạch sẽ. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Hạn chế cho bé ra ngoài nơi công cộng vào thời điểm giao mùa hay tiếp xúc với người có triệu chứng ho, sổ mũi; trẻ ra đường phải được đeo khẩu trang kỹ lưỡng, khi về nhà cần vệ sinh tay chân sạch sẽ. Ăn uống hợp lý: Cho trẻ uống nhiều nước, tăng cường bổ sung thêm rau xanh, hoa quả tương và các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.. Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ để phòng tránh nguy cơ mắc một số bệnh lý.
7. Trẻ bị viêm phế quản cần kiêng gì?
Khi con bị viêm phế quản, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm sau đây:
+ Bánh kẹo ngọt, nước uống có ga.
+ Trẻ cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm – đồ ăn nhanh, có chứa nhiều dầu mỡ như thịt chiên, khoai rán, gà chiên,…
+ Các món có hàm lượng muối cao. Tốt nhất nên giảm lượng muối trong các món ăn dành cho trẻ. Bởi muối dư thừa khiến cơ thể tích trữ nước nhiều hơn bình thường, từ đó, gia tăng sự tạo chất nhầy ở phế quản, khiến trẻ cảm thấy khó chịu.
+ Các loại thực phẩm có tính chất cay nóng như ớt, hạt tiêu, gừng,… gây kích thích niêm mạc ở phế quản.
+ Các loại trái cây có bị chua và chát như khế, mận, xoài,…
+ Các loại đồ ăn đóng hộp hoặc chế biến sẵn.
8. Trẻ bị viêm phế quản có được tắm không?
Khi trẻ bị viêm phế quản thì hầu hết các bậc phụ huynh đều thắc mắc về câu hỏi này. Nhiều cha mẹ không cho con tắm khi trẻ có những triệu chứng như sổ mũi, ho, vì sợ con bị nhiễm lạnh làm bệnh nặng nề hơn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần phải biết rằng trẻ sẽ bị nhiễm bệnh nặng hơn nếu như không tắm cho trẻ.
Đối với những trẻ bị viêm phế quản, viêm đường hô hấp nặng thì việc vệ sinh chân tay, vệ sinh thân thể cho trẻ là việc rất quan trọng. Nhưng điều cần lưu ý là việc tắm cho trẻ phải thực hiện đúng để không làm bệnh nặng nề hơn.
Bệnh viêm phế quản ở trẻ em có những chuyển biến phức tạp nếu không có phương pháp, pháp đồ điều trị chính xác. Trẻ rất có thể bị nặng hơn, thời gian hết bệnh cũng lâu hơn và thậm chí có thể gây ra trường hợp tử vong. Do đó, gia đình tuyệt đối không nên tự ý điều trị bệnh tại nhà bằng các phương pháp dân gian hay tự ý mua thuốc tại các hiệu thuốc tư nhân.